Forex là một thị trường phi tập trung và tỷ giá của ngoại tệ luôn có sự thay đổi không ngừng, nhưng khi nhà môi giới thực hiện đặt lệnh cho khách hàng của mình phải đi theo đúng trình tự của nó. Tại sao lại như vậy? Trong bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến trader mô hình thị trường ngoại hối là gì? Nghiệp vụ kinh doanh của Forex ra sao?
- Đồng Ripple là gì? Dự đoán sự tăng trưởng của đồng XRP trong 2023
- Đồng TRX Coin nghĩa là gì? Tìm hiều những thông tin chính thống về TRX Coin
- Đồng XRP Coin là gì? Những điều bạn cần biết về XRP Coin
- Đường EMA là gì? Cách sử dụng đường EMA giao dịch hiệu quả
Mô hình thị trường ngoại hối bao gồm những gì?
Mô hình thị trường ngoại hối luôn được cấu tạo từ 3 bộ phận đó là: Thị trường liên ngân hàng, Sở giao dịch ngoại hối và thị trường giao dịch phi tập trung. Mỗi bộ phận đều mang những đặc điểm riêng cụ thể như sau:
Thị trường liên ngân hàng
Thị trường liên ngân hàng hay được gọi là Interbank – Nơi các ngân hàng trên thế giới trao đổi tiền tệ theo tỷ giá giao ngay và tỷ giá có kỳ hạn và thị trường liên ngân hàng chính là trung tâm của thị trường ngoại hối.
Theo đó, thị trường này sẽ không có địa điểm cụ thể mà chỉ là một mạng lưới thông tin liên lạc ngân hàng được liên kết với nhau qua mạng điện tử, hay liên kết ngân hàng với các người chuyên môi giới ngoại hối (Foreign Exchange Broker).
Những doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ ngoại hối từ hệ thống ngân hàng có mối quan hệ kinh doanh với mình. Mỗi ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình thông qua quá trình mua bán ngoại tệ với các ngân hàng khác cũng tham gia trên thị trường liên ngân hàng này.
Với các đồng tiền có tính phổ biến được thường xuyên trao đổi thì các ngân hàng lớn luôn có đủ số lượng tích trữ trong tay để tiến hành cuộc giao dịch. Tuy nhiên, với các đồng tiền không có sự phổ biến nhiều thì những ngân hàng khác sẽ thông qua các người chuyên môi giới ngoại tệ để bắt đầu.
Trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng thực sự hoạt động giống như một đại lý cho khách hàng của mình. Ngoài công việc chuyển đổi tiền tệ, các ngân hàng còn đảm nhiệm việc tư vấn cho khách hàng về chiến lược giao dịch, cung cấp nhiều loại công cụ tài chính khác, kế hoạch quản trị rủi ro khác qua việc cung cấp thông tin điều tiết ngoại hối trên khắp thế giới.
Sở giao dịch ngoại hối
Sở giao dịch ngoại hối là một nơi chuyên thực hiện các giao dịch ngoại hối giao sau (Currency Futures) và quyền chọn ngoại hối (Currency Option).
Hoạt động mua bán tiền tệ tại đây đều phải thông qua các nhà môi giới chứng khoán, những người chuyên tạo điều kiện cho quá trình đầu tư được vận hành tốt hơn bằng cách trực tiếp chuyển và thực hiện các đặt hàng theo yêu cầu từ phía khách hàng.
Các cuộc giao dịch trên Sở giao dịch ngoại hối thường có quy mô không lớn so với các cuộc giao dịch khác diễn ra trên thị trường liên ngân hàng và quy mô đó cũng sẽ có sự khác nhau tùy theo loại tiền tệ mà nhà đầu tư đã lựa chọn.
Thị trường phi tập trung
Thị trường phi tập trung là nơi mà giữa người mua và người bán thẳng thắn với nhau, tức là không niêm yết hay không tập trung vào một điểm giao dịch thông qua mạng lưới máy tính trên toàn thế giới. Thông thường, toàn bộ hoạt động giao dịch ngoại hối đều có thể diễn ra trên thị trường OTC và các chủ thể chính tham gia vào trong thị trường này thường là các tổ chức tài chính lớn và các hệ thống ngân hàng đầu tư.
Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường phi tập trung vô cùng nhanh chóng, đã đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh, cụ thể đó là:
- Cho phép các công ty có thể tự động tìm kiếm một tổ chức bất kỳ với mức chào giá thấp nhất khi tiến hành giao dịch.
- Tạo ra cơ hội thực hiện các giao dịch có tính linh hoạt hơn dựa theo yêu cầu từ phía khách hàng đầu tư.
Các nghiệp vụ kinh doanh trong mô hình thị trường ngoại hối
Nghiệp vụ ngoại hối giao ngay
Nghiệp vụ ngoại hối giao ngay là cả quá trình mua bán tiền tệ, kể cả việc chuyển giao ngoại tệ đều được thực hiện tức thì trong một ngày hoặc chậm nhất là hai ngày làm việc kể từ khi hợp đồng mua bán được ký kết.
Nghiệp vụ này thường diễn ra trên thị trường giao ngay và được tiến hành dựa trên cơ sở tỷ giá giao ngay (Spot Rate), nghĩa là tỷ giá đã được xác định từ trước và có giá trị ngay thời điểm giao dịch. Và tỷ giá này thường được niêm yết trên các ngân hàng thương mại hay các phương tiện thông tin đại chúng.
Đa số hệ thống ngân hàng sẽ không thu phí giao dịch mà sẽ hưởng lợi từ việc chênh lệch giữa tỷ giá bán và tỷ giá mua để bù đắp các rủi ro, thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khách hàng đầu tư phải ký quỹ tuân theo quy định của từng ngân hàng, đối với giao dịch giao ngay thời hạn để thanh toán sẽ tính từ 1 hoặc 2 ngày làm việc sau ngày giao dịch mua, bán ngoại tệ.
Nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỷ giá
Mức giá chênh lệch giữa các thị trường giao ngay đã tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch tỷ giá trên thị trường này. Vì vậy, có thể xem nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỷ giá là một trong các ứng dụng của nghiệp vụ hối đoái giao ngay.
Vậy nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỷ giá là nghiệp vụ mua một đồng tiền ở khu vực có giá thấp và bán lại ở khu vực có giá cao hơn trong cùng một thời điểm để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá đó và ngược lại. Trong nghiệp vụ này, nhà đầu tư sẽ không phải chịu rủi ro về ngoại hối bởi vì việc mua và bán đều xảy ra đồng thời ngay cùng một thời điểm nên sẽ không tạo ra trạng thái thiếu hay thừa ngoại tệ trên thị trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện các nghiệp vụ này lại có xu hướng cân bằng tỷ giá ở các thị trường ngoại hối khác nhau do quá trình bùng nổ của các phương tiện thông tin hiện đại, giúp cho thị trường ngoại hối mở rộng quy mô trên toàn cầu, người bán và người mua cũng dễ dàng biết được giá cả và tiếp cận với nhau từ nhiều địa điểm nên nghiệp vụ này trở nên không còn phổ biến nữa.
Nghiệp vụ ngoại hối kỳ hạn
Giao dịch ngoại hối kỳ hạn là nghiệp vụ mua bán ngoại hối trong đó người mua, người bán đều sẽ cam kết mua một lượng ngoại tệ nhất định dựa theo một mức tỷ giá đã được thương lượng khi ký kết hợp đồng và việc giao nhận, thanh toán tiền tệ sẽ được thực hiện vào một ngày trong tương lai.
Thành phần tham gia trên thị trường này chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đa quốc gia, các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính quốc tế hay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tức là những hoạt động của họ thường xuyên sẽ chịu tác động bởi sự biến động của tỷ giá.
Hiện nay, giao dịch kỳ hạn lại ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò cần thiết trong lĩnh vực Forex. Bởi tính hiệu quả khi phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái đối với các doanh nghiệp khi tham gia xuất nhập khẩu hay vay nợ nước ngoài hoặc thậm chí là đầu tư nước ngoài.
Nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối
Nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối là nhà đầu tư vừa bán vừa mua cùng lúc một đồng ngoại tệ nhất định tương ứng với lượng giá trị, nhưng ngày mua vào hay ngày bán ra lại có thời điểm khác nhau. Đây được xem là sự phối hợp giữa hai nghiệp vụ giao dịch ngoại hối giao ngay và giao dịch ngoại hối có kỳ hạn.
Khi sử dụng giao dịch hoán đổi sẽ đem lại lợi thế về việc giảm thiểu bớt chi phí và hạn chế được rủi ro do biến động của tỷ giá. Trong giao dịch hoán đổi đôi bên tham gia sẽ gồm có các ngân hàng, khách hàng đều nhận được những lợi ích nhất định.
Với khách hàng, lợi ích nhận được từ chính việc thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ hoặc nội tệ của mình ở thời điểm hiện tại. Với ngân hàng lợi ích thể hiện ở chỗ vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa nâng cao được uy tín, gia tăng giá trị thương hiệu của mình và đặc biệt có thể kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá mua và giá bán ngoại tệ.
Nghiệp vụ ngoại hối tương lai
Giao dịch ngoại hối tương lai là quá trình thỏa thuận mua bán một số lượng tiền tệ đã biết trước theo tỷ giá cố định tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực và khi chuyển giao ngoại tệ sẽ được tiến hành vào một ngày ở tương lai thông qua Sở giao dịch mà không qua trực tiếp ngân hàng.
Sở giao dịch là đơn vị có thẩm quyền đặt ra quy định, kiểm soát hoạt động của các hội viên và thành viên của Sở giao dịch có thể là đại diện của các công ty, các ngân hàng thương mại hay cá nhân sở hữu tài khoản riêng.
Hợp đồng ngoại hối tương lai tương đối giống với hợp đồng ngoại hối kỳ hạn, nhưng nó lại có tính thanh khoản cao hơn do hai bên có thể hủy bỏ hợp đồng cũ bất cứ khi nào và thành lập hợp đồng mới, nhưng hai bên đều phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch giá trị tại thời điểm muốn thực hiện đảo hợp đồng.
Ngoài việc hạn chế rủi ro thì hợp đồng này còn trở thành công cụ thích hợp cho những nhà đầu cơ. Giả dụ, một nhà đầu tư dự đoán một đồng tiền tệ nào đó tăng lên trong tương lai và sẽ mua hợp đồng tương lai của tiền tệ đó. Ngược lại, nhà đầu tư khác dự đoán tiền tệ đó sẽ tụt giá và bán hợp đồng tương lai.
Lúc này, Sở giao dịch với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người trung gian trong giao dịch sẽ đứng ra thu xếp các loại hợp đồng này sao cho hợp lý nhất.
Với mô hình thị trường ngoại hối là gì? Nhà đầu tư mới nhất định đã nắm rõ qua phần trình bày trong bài viết của Sanuytin.com. Hy vọng, nó sẽ đem lại cái nhìn tổng quan hơn về thị trường Forex dành cho người đầu tư. Chúc trader sẽ thành công nhé!